Mô hình căn hộ dành cho gia đình nhiều thế hệ
Cấu trúc gia đình nhiều thế hệ và không gian tương tác giữa các thế hệ
Theo số liệu tổng điều tra dân số của tổng cục thống kê năm 2019, tỷ lệ người cao tuổi (NCT) sống ở thành thị trong vòng 10 năm đã tăng từ 27,53% lên 32,84%. (Kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 2019). Những gia đình nhiều thế hệ hoặc là hình thành từ đầu (gia đình truyền thống) hoặc mới hình thành, gồm một gia đình trẻ gồm cha mẹ và con (gia đình hạt nhân) muốn đưa với ông, bà về ở cùng trong căn hộ. Đây là mô hình “Gia đình mở rộng” có số nhân khẩu từ 4-6 người. Ngoài ra, với xu thế phát triển các gia đình hạt nhân có quy mô nhỏ từ 2-4 người chiếm 65.5% tổng số hộ gia đình (Kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 2019). Những bạn trẻ mới lập gia đình có những quan điểm sống hiện đại, muốn có một gia đình riêng, độc lập. Một mặt không muốn ở cùng cha mẹ nhưng mặt khác vẫn muốn ở gần cha mẹ để có thể tiện chăm sóc khi đau ốm cũng như nhận được sự hỗ trợ của cha mẹ trong sinh hoạt. Nghiên cứu cho thấy việc chăm sóc người cao tuổi (NCT) khi ốm đau chủ yếu vẫn là vợ (chồng) hoặc con cái sống cùng “Có tỉ lệ lớn người chăm sóc là con cái (44%) hoặc vợ/chồng (43%) của NCT… Ngoài ra, cứ 10 người chăm sóc chính thì 9 người sống cùng NCT.” (Nghiên cứu dọc về Người cao tuổi và Sức khỏe tại Việt Nam (LSAHV))